Quy định về việc người bán phân bón phải có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn như đề xuất trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã được Chính phủ thông qua và chính thức áp dụng từ 20-9.
Điều 19 về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón nằm trong Nghị định 108 về quản lý phân bón vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua hôm 20-9 và có hiệu lực cùng ngày quy định, người buôn bán phân bón phải bảo đảm bốn điều kiện.
Trong đó, đáng chú ý là ngoài việc được thành lập, đăng ký theo quy định pháp luật, có cửa hàng (đầy đủ biển hiệu, sổ ghi chép, niêm yết giá); kho chứa, trưng bày thì người trực tiếp bán phân bón phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón. Trong trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học thì được miễn giấy chứng nhận này.
Như vậy, đề xuất của Bộ NN&PTNT, cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định đưa ra trước đó đã được thông qua.
Còn nhớ trong dự thảo dự thảo tờ trình trước đó, cơ quan soạn thảo lý giải đề xuất này là để đảm bảo công tác quản lý. Theo bộ này, Nghị định 202 (văn bản mà Nghị định 108 vừa thay thế) không quy định các cơ sở kinh doanh phân bón phải có giấy chứng nhận (giấy phép) kinh doanh phân bón do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền cấp. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng kinh doanh phân bón tràn lan, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ. Đây chính là kẽ hở gây ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng không thể kiểm soát được trên thị trường trong thời gian qua.
Chia sẻ với TBKTSG Online, một thành viên của Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nói rằng, ông không muốn bình luận cụ thể về quy định này. Bởi lẽ, bản thân chuyện bán phân bón phải có giấy phép đã nói lên tất cả.
Trong thời gian qua, VCCI đã chỉ ra rất nhiều loại “giấy phép con” hành doanh nghiệp cũng như đã “đấu tranh” rất nhiều với các cơ quan soạn thảo văn bản để loại bỏ dần những giấy phép con này.
Nghị định quản lý phân bón là một trong những văn bản quy định pháp luật khá được mong chờ. Với quy định này, việc quản lý phân bón quy về một mối, đó là Bộ NN&PTNT.
Trước đó, đây là công việc của hai bộ là Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, còn Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ từ các khâu sản xuất đến công bố hợp quy. Chính cơ chế “gãy khúc” này, theo nhận định của các ngành, khiến việc quản lý chồng chéo nhưng hiệu quả kém, hiệu lực quản lý không đảm bảo và cũng không có đủ nguồn lực để kiểm tra. Đó là lý do khiến người dân phải tiêu thụ các loại phân bón giả, kém chất lượng. Chuyện phân bón giả tràn lan là vấn đề nhức nhối với người nông dân và đã được nói ở rất nhiều diễn đàn Quốc hội.
Nguồn từ : M.Tâm