Dù Tết chỉ vừa bước qua “Mùng” không lâu, nhưng mọi hoạt động mua bán đầu năm vẫn diễn ra hết sức sôi động do xu hướng mua sắm, tiêu dùng của người dân đang dần có những biến chuyển mạnh mẽ.
Một trong những “địa chỉ” góp phần không nhỏ vào việc tác động, thay đổi thói quen mua sắm nói trên là do sự phát triển, lớn mạnh không ngừng nghỉ của các kênh phân phối hiện đại, trong đó vai trò của các nhà bán lẻ ngày càng được khẳng định vị trí chủ chốt.
Chuẩn bị chu đáo, doanh thu đạt khủng
Có tổng doanh thu ước đạt 19.822 tỉ đồng, tăng 1.143 tỉ đồng tương ứng 6,12% so với Tết năm ngoái, trong đó doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt xấp xỉ 8.450 tỉ đồng, tăng gần 883 tỉ đồng so với Tết Mậu Tuất 2018. Sở Công thương TP.HCM ghi nhận sức mua thị trường Tết dù có thời điểm tăng 100-150%. Và sức mua phần lớn tập trung ở các kênh phân phối hiện đại, do người dân dần chuyển thói quen từ mua sắm ở chợ truyền thống sang ngày càng rõ.
Trong đó, nếu tính riêng hệ thống các siêu thị, ngay từ mùng 2 Tết đã mở cửa trở lại, khiến nhu cầu mua sắm của người dân được bảo đảm ở mức cao nhất, kèm với chương trình bình ổn giá ở một loạt các sản phẩm thiết yếu tiếp tục được duy trì khiến giá thị trường vẫn giữ được ở mức ổn định cao.
Giảm 10% giá cho thực phẩm tươi sống
Từ ngày 21-2 đến 6-3-2019, chuỗi Co.opmart và Co.opXtra luân phiên áp dụng giảm giá từ 10-20% giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí, vừa có thể tính toán thay đổi thực đơn cho gia đình. Cụ thể, từ ngày 12 đến 27-2, siêu thị giảm giá cho cá lóc đen làm sạch, mực ống, giò sống, khoai mỡ, bí đao, susu, cà rốt, dưa hấu đỏ, đu đủ vàng…
Từ ngày 28-2 đến 6-3, bí giống Mỹ, tôm thẻ, má đùi gà, lê Hàn Quốc, nho đen không hạt, cá diêu hồng làm sạch, bắp cải trắng, bưởi da xanh sẽ được giảm giá.
Một số sản phẩm được sơ chế hay chế biến sẵn như tôm ram thịt, cá lóc đen ướp kho tộ… giảm 15%, giúp các bà nội trợ tiết kiệm thời gian và các công đoạn chế biến cũng rất tiện lợi.
Theo đánh giá của đại diện Sở Công thương TP.HCM, việc hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chuẩn bị nguồn vốn và ký hợp đồng dự trữ lượng hàng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, cùng với kế hoạch dự trữ tăng 15-20% của các nhà cung cấp, và kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng thời gian phục vụ, kết quả đã vượt mong đợi trong kế hoạch hút người tiêu dùng.
Một cán bộ có thẩm quyền của Sở Công thương cho rằng, ngoài thành công về doanh thu đạt mức tăng khá cao so với kế hoạch đề ra, thì việc các hệ thống bán lẻ hiện đại nói chung đều kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh, không tồn trữ, không mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết vừa qua “là một nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp kinh doanh ngành phân phối cần được ghi nhận”.
Đồng quan điểm với nhận định trên, ông Đỗ Quốc Huy – Giám đốc marketing Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho hay trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Saigon Co.op ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, ngay từ những khâu đầu tiên là lựa chọn nhà cung cấp.
“Chúng tôi ưu tiên chọn các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của Bộ Y tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP, nên đã hạn chế ở mức thấp nhất các rủi ro nếu có vấn đề gì xảy ra”, ông Huy chia sẻ.
Quy trình chặt chẽ cho hệ thống chuẩn
Theo ông Đỗ Quốc Huy, chỉ tính riêng về những mặt hàng rau củ quả, thịt, Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận Vietgap, Global Gap theo một quy trình chuẩn: cam kết thực hiện quy trình sản xuất an toàn, ký hợp đồng bao tiêu nông sản và tiến hành ứng vốn cho các đơn vị này để đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị cũng như con giống và phân bón.
Chưa kể, trong suốt quá trình kinh doanh, không chỉ thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra tại đơn vị sản xuất, mà Saigon Co.op còn lấy mẫu tại các điểm bán để kiểm định đột xuất nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng hàng hóa tại hệ thống bán lẻ của mình.
Đồng thời, việc yêu cầu các nhà cung cấp phải có đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy đăng ký nhãn hiệu, hồ sơ công bố xác nhận hợp quy hoặc hồ sơ xác nhận phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ luôn được kiểm tra chặt chẽ ngay từ bước đầu tiên cho từng ngành hàng, từng mặt hàng.
Theo tuoitre.vn