“Như điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, việc ảnh hưởng đến an ninh năng lượng là không rõ và có thể xử lý bằng chính sách dự trữ quốc gia, trong khi điều kiện này lại tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (DN), ảnh hưởng cả người trồng lúa”, ông Tuấn đơn cử.
Tương tự, với các điều kiện đặt ra trong sản xuất
mũ bảo hiểm, ông Tuấn cho rằng nhà nước có thể kiểm soát qua chất lượng mũ lưu thông trên thị trường, chứ không cần phải quy định những điều kiện cơ sở về mút xốp… Bên cạnh đó, vì mỗi DN có thể chỉ tham gia một công đoạn trong quá trình này, nên quy định vậy là làm khó DN.
Vì lẽ đó, báo cáo của 2 tổ chức trên đưa ra kiến nghị loại bỏ 16 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; đồng thời, liệt kê danh mục 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát (quản lý) chưa phù hợp.
Bình luận về báo cáo, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico, cho rằng phải bãi bỏ khoảng 50% các điều kiện kinh doanh, chứ không chỉ ở con số 26 mà VCCI kiến nghị.
Theo luật sư Đức, dù số ngành nghề có điều kiện trên danh nghĩa đã từ 267 (năm 2014) xuống còn 243 như hiện nay, song nó không phải là giảm mà chỉ là sự “sắp xếp lại”.
“Như với kinh doanh vàng, trước đây 4 ngành nghề
kinh doanh vàng có điều kiện là vàng miếng, vàng tài khoản, vàng nguyên liệu và kinh doanh vàng trang sức, thì nay được gộp chung thành một ngành là kinh doanh vàng”, ông Đức dẫn chứng và nói thêm, nếu có 10 ngành kinh doanh có điều kiện được giảm thì có 7 ngành mới mọc lên phải chịu điều kiện, nên thực tế cuộc chiến loại bỏ điều kiện kinh doanh rất nửa vời. “Mới đây nhất, việc Bộ GTVT cấm dịch vụ đi xe chung là ví dụ. Đây là lệnh cấm thiếu căn cứ vì không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chứ chưa nói đến sự tiến bộ, lợi ích của loại hình này mang lại cho người dùng”, ông Đức phân tích.
Chuyên gia Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), thì lo ngại vì vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh nằm trong quy chuẩn, quy hoạch. “Như sản xuất
nước mắm, cơ quan quản lý đặt ra quy chuẩn từ nhà xưởng, ánh sáng…, trong khi là người dùng, tôi chỉ quan tâm chai nước mắm chất lượng tốt, an toàn, chứ họ làm gì, sản xuất ra sao tôi không quan tâm”, ông Vinh nói và đề nghị cần làm rõ nội hàm thế nào là ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, vì quản lý nhà nước thường vin vào đây để giải thích không rõ ràng khi ban hành điều kiện kinh doanh.
Ông Vinh cũng nhìn nhận, DN đăng ký thành lập trong nước rất nhiều nhưng “khai tử” cũng nhiều, mà lý do chính là môi trường kinh doanh không thuận lợi, chi phí cao, cộng với sự nhũng nhiễu của cán bộ thực thi. “Cần có đánh giá chi phí của các quy định ảnh hưởng ra sao với DN, cũng như làm sao thiết kế quy định để DN chịu ít chi phí nhất”, ông Vinh kiến nghị.
Nguồn từ : Chí Hiếu