Thời gian qua, nhiều chính sách bất cập, thủ tục hành chính nhiêu khê, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp được Pháp Luật TP.HCM phát hiện, phản ánh. Từ những phân tích, phản biện của Pháp Luật TP.HCM, nhiều điểm nghẽn trong thể chế, các nút thắt gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã được thay đổi, dỡ bỏ
Bỏ quy định vô lý, DN hồi sinh

Chính phủ đã đưa ra quy chuẩn mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.
Ông Nguyễn Thiện Hoàng Linh, Giám đốc Công ty nhựa Khánh Quỳnh Long An, vẫn còn nhớ như in về chính sách siết nhập khẩu phế liệu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn những DN trục lợi nhập “rác” ngoại về gây ô nhiễm môi trường. Chính sách này là đúng nhưng vô tình lại làm khó các công ty làm ăn chân chính, gây tồn đọng hàng chục ngàn container phế liệu tại các cảng khiến DN không có nguyên liệu phục vụ sản xuất, sản xuất đình đốn, thậm chí có công ty đóng cửa.
“Lúc đó, riêng công ty chúng tôi tồn đọng khoảng 20 container tại cảng trên 90 ngày. Tình thế rất mệt mỏi, hàng chờ, nhân viên thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đội lên… Tất cả bắt nguồn từ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2010/BTNMT về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không phù hợp với thực tế” – ông Linh nói.
Cụ thể, theo QCVN 32:2010, phế liệu nhựa dạng phim phải… bằm nhỏ ra với kích thước tối đa 10 cm. Trong khi đó, phế liệu nhựa thường dạng màng to mới dễ đóng kiện đưa vào container, khi nhập về sẽ dễ phân loại thì mới đáp ứng yêu cầu sản xuất của các DN… Hơn nữa, trên thế giới cũng không DN nào nhập khẩu các loại phế liệu nhựa nhỏ như vậy, vì làm như thế không thể bán cho ai.
Do quy định quá cách biệt so với thực tế nên thời điểm đó hầu hết các DN nhựa Việt Nam nhập hàng về không đúng quy định của Bộ TN&MT đưa ra. Tồn đọng container phế liệu tại cảng quá nhiều, các hãng tàu không cấp container nên DN đủ điều kiện nhập phế liệu cũng không nhập được. DN thiếu nguyên liệu sản xuất, nhà máy ngừng hoạt động, buộc cho công nhân nghỉ việc.
Rất may là sự bất hợp lý này sau đó đã được tháo gỡ khi báo Pháp Luật TP.HCM cùng một số báo khác phản ánh và các cơ quan chức năng vào cuộc. Nỗi oan của các công ty làm ăn chân chính được gỡ bỏ. Theo đó, Chính phủ cùng các bộ liên quan đã đưa ra quy chuẩn mới tạo thuận lợi cho DN nhập khẩu phế liệu.
Cởi trói cho kinh doanh ô tô
Mới đây, giới kinh doanh ô tô đón nhận tin vui khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định sửa đổi một số quy định của Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Trong đó sẽ bỏ một số quy định liên quan đến nhập khẩu ô tô. Ví dụ, thay vì hình thức kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, Chính phủ sẽ sửa đổi nghị định theo hướng các xe nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), Pháp Luật TP.HCM cùng với một số tờ báo khác liên tục phản ánh về những vướng mắc, bất cập của Nghị định 116. Bởi từ khi Nghị định 116 có hiệu lực, hàng loạt công ty nhập khẩu ô tô gặp khó khăn, mất thêm thời gian, tốn thêm chi phí vì phải cõng thêm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
Ví dụ, các DN đã phản ánh với Pháp Luật TP.HCM: Quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài không phù hợp thông lệ quốc tế; quy định kiểm định từng lô đối với xe nhập khẩu khiến DN gánh chi phí lên đến 5.000-10.000 USD mỗi lần kiểm định. Những nội dung này không chỉ gây khó cho giới kinh doanh mà còn đẩy giá ô tô lên cao.
Ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Liên Á Quốc tế, đơn vị phân phối ô tô nhập khẩu, bày tỏ chính nhờ báo chí phản ánh đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của cộng đồng DN để những quy định không phù hợp được sửa đổi. “Chúng tôi vui mừng khi Nghị định 116/2017 được cân nhắc để sửa đổi. Chẳng hạn, nếu sắp tới ô tô nhập khẩu được kiểm tra theo kiểu loại thì có thể được hiểu là mỗi kiểu loại xe chỉ cần lấy mẫu để kiểm tra khí thải và an toàn lần đầu tiên và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật. Quy định này được sửa đổi sẽ giúp giảm chi phí kiểm tra, nhân lực, đặc biệt là thời gian thông quan hàng, tạo thuận lợi kinh doanh cho DN” – ông Trung nói.
Theo plo.vn