Thứ Hai, Tháng Ba 27, 2023
Home Tin tức Doanh nghiệp bất lực với phân bón giả

Doanh nghiệp bất lực với phân bón giả

Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, năm sau nhiều hơn năm trước đang khiến các DN sản xuất kinh doanh phân bón chân chính cảm thấy bất lực.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại, với giá trị khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2016, những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

phan bon

Phân bón giả chèn ép phân bón thật

Theo ông Vũ Xuân Hồng – Phó TGĐ Cty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao, DN chân chính e ngại nhất là phân bón nhái và kém chất lượng. Bởi chúng ta hiện chưa có quy chuẩn để xác định những sản phẩm này, những đơn vị sản xuất này vẫn được cấp phép sản xuất, hợp chuẩn, hợp quy, chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện ra lệch quy chuẩn mà DN đăng ký.

Trong khi đó, với nhiều cơ chế và cách luồn lách, các DN làm hàng nhái ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những phân bón nhái này.

Theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 đến 2,5 tỉ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón.

Ngoài ra, phải kể đến những thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm được như: Phân bón giả, kém chất lượng làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất, cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn khiến cho việc tăng thêm lượng kinh phí cho việc phòng và trị sâu bệnh hại. Cuối cùng, chi phí sản xuất thì tăng thêm mà thu nhập thì giảm đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu xét về mức độ gây hại cho xã hội, tội làm phân bón giả, nhái, kém chất lượng phải bị coi là tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội này cần phải xử với mức phạt cao nhất. Một người sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng có thể khiến hàng nghìn, hàng vạn gia đình nông dân bị mất mùa, thiếu đói.

Thiếu quy chuẩn quản lý

Theo Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), thực trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước. Nếu năm 2015, cơ quan quản lý phát hiện trên 4.000 vụ vi phạm, thì đến năm 2016 là trên 5.000 vụ vi phạm.

Theo ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, thực trạng luật của chúng ta hiện còn lỏng lẻo ngay từ ban đầu, Nghị định 202/2013/NĐ-CP quản lý phân bón đã không đủ mạnh để quản lý. Vừa qua, sau khi tiến hành kiểm tra về phân bón giả, trong kết quả của 45 trung tâm khảo nghiệm phân bón, Bộ NN&PTNT đã phát hiện và yêu cầu 11 tổ chức được Cục Trồng trọt thuộc Bộ chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón… phải kiểm nghiệm lại.

“Chúng ta cũng đang nhập nhèm giữa xử lý hành chính hay hình sự với sản xuất phân bón giả. Đây là kẽ hở để các nhóm lợi ích bảo kê các nhóm sản xuất hàng giả. Ví dụ như trường hợp vụ phân bón giả của Cty Thuận Phong (tỉnh Đồng Nai), trải qua chỉ đạo của 2 Thủ tướng, 7 Bộ, đơn vị này chỉ bị xử phạt hành chính” – ông Hùng bức xúc.

Ông Hùng cũng cho biết, nhiều lần ông tham gia cùng lực lượng chức năng xuống địa bàn, thấy báo động vấn đề đạo đức người thực thi luật ở địa phương. Cụ thể, khi đi cùng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chúng tôi gặp 1 điều lạ lùng, khi phía trên là các lực lượng kiểm tra đang họp thì xuống địa phương các chủ DN có trong danh sách bị kiểm tra đã trốn hết. “Vậy ai là người báo cho DN?” – ông Hùng đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm này, ông Hồ Quang Thái – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, vụ Cty Thuận Phong là một trong những vụ điển hình minh chứng cho việc các cơ quan quản lý đang có nhiều vấn đề.

Là người theo dõi từ đầu vụ việc, ông Thái cho biết, chính vì cơ chế chính sách của chúng ta chưa chặt chẽ nên doanh nghiệp mới có cơ hội lợi dụng kẽ hở để sản xuất, kinh doanh gian dối. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng (đơn vị quản lý trực tiếp) lại thờ ơ, không vào cuộc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm ngày càng lộng hành.

Đặc biệt, trong 2 loại phân bón mới xin phép đem về khảo nghiệm, chưa được nhập về nhưng doanh nghiệp đã sao chép và mang bán ra thị trường. Với 2 loại phân bón này, ở bên Mỹ là thuốc bảo vệ thực vật, nhưng khi về Việt Nam lại được doanh nghiệp biến tấu thành phân bón để bán ra thị trường.

Để xảy ra thực trạng trên là do văn bản quy phạm pháp luật đang bất cập, còn cơ quan chức năng nhà nước “vô cảm”. Trong khi đó, có thể nói, đạo đức nghề nghiệp với cán bộ tại tất cả các cơ quan quản lý nhà nước là vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng.

Nguồn từ : enternews.vn

Tư Vấn Chứng Chỉ ISO

Tư Vấn Hợp Chuẩn Hợp Quy

 Dịch vụ khác

Xin Giấp phép

Tư vấn VIETGAP