Khoảng mờ trong các quy định luôn ẩn chứa những rủi ro khôn lường với các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp không thể giảm nếu các khoảng mờ chưa tỏ.
Cục thuế cũng không hiểu
Cho tới thời điểm này, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chăn nuôi T&T 159 – Lạc Sơn vẫn lấn cấn với các kế hoạch kinh doanh năm 2019. Những lấn cấn này đã kéo dài từ năm 2018, ngay từ thời điểm Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực ngày 17/4/2018.
“Khi Nghị định 57/2018/NĐ-CP ra đời, chúng tôi rất mừng, vì có nhiều quy định thuận lợi cho doanh nghiệp hơn Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Nhưng, làm thế nào để được hưởng lợi lại là điều chúng tôi đang phải đi hỏi”, ông Thắng nói.
Công ty T&T 159 – Lạc Sơn là một trong hai chủ đầu tư của Dự án Trang trại chăn nuôi bò cao sản ở xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Với tổng vốn đầu tư 1.102 tỷ đồng, trên diện tích đất là 104.000 m2, trang trại dự kiến cung cấp định kỳ hàng năm 2.000 bò giống chất lượng cao.
Dự án cũng đang vận hành 1 dây chuyền chế biến sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR (tận dụng phụ thu sau thu hoạch) với công suất khoảng 150 tấn/ngày; 1 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ với công suất 50 tấn/ngày…
“Chúng tôi xác định Dự án thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn, được quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP, nên đã tiến hành các thủ tục xin miễn, giảm tiền thuê đất, nhưng đến giờ câu trả lời từ cơ quan thuế địa phương là đợi hướng dẫn”, ông Thắng nói.
Theo quy định tại khoản 5, Điều 6 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư, khuyến khích đầu tư) được Nhà nước cho thuê đất xây dựng nhà ở cho người lao động của dự án, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, gồm đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa, sân phơi, đường giao thông, cây xanh, kể cả đất được phép chuyển mục đích sang các loại đất quy định tại khoản này để phục vụ dự án thì được miễn tiền thuê đất.
Rắc rối lại chính ở cụm từ mà doanh nghiệp trông đợi nhất, đó là “thì được miễn tiền thuê đất”. Ông Thắng nói, cơ quan thuế đang có 2 cách hiểu với cụm từ này. Cách thứ nhất là diện tích đất phục vụ cho dự án nêu trong khoản 5, Điều 6 được miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án. Cách hiểu thứ hai là phần diện tích này được miễn, giảm tiền thuê đất theo dự án đầu tư được cho thuê đất.
“Nhưng, nếu hiểu theo cách thứ hai, thì khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 6 cũng đã nêu, không nhất thiết phải nhắc lại ở khoản 5. Chúng tôi đã phản biện như vậy. Cục Thuế tỉnh Hòa Bình không trả lời được, đã gửi văn bản hỏi Tổng cục Thuế từ tháng 8/2018”, ông Thắng cho biết.
Bộ Công thương lại bị hỏi về Formaldehyt
Tổng giám đốc Vũ Huy Thăng của Công ty TNHH thương mại Trans Pacific Partners (TPP) không biết phải làm gì với lô hàng bàn, ghế được bọc vải, da tổng hợp đã nhập khẩu từ ngày 1/1/2019.
Câu hỏi các sản phẩm trên có phải làm thủ tục công bố hợp quy không mà ông Thăng gửi tới Văn phòng Chính phủ từ tháng 2/2019, đã được Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Công thương từ ngày 4/3/2019 với yêu cầu trả lời trước ngày 22/3/2019, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thông tin phản hồi.
Theo cách hiểu của Công ty TPP, lô hàng Công ty nhập không có tên trong Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 21/2017/TT-BTC ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giới hạn formaldehyt sản phẩm dệt may, nghĩa là không thuộc danh mục phải làm thủ tục công bố hợp quy.
Tuy nhiên, Công ty TPP được tư vấn từ cơ quan giám định rằng, khi Bộ Công thương tiến hành hậu kiểm sản phẩm lưu hành trên thị trường, tất cả sản phẩm được sản xuất từ vật liệu dệt, da tổng hợp đều phải làm công bố hợp quy, không áp dụng theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 21/2017/TT-BTC.
“Công ty chúng tôi làm công văn này mong quý bộ giải đáp thắc mắc trên, để Công ty được nhập khẩu và lưu thông hàng hóa theo quy định của Nhà nước”, Tổng giám đốc Vũ Huy Thắng đã viết trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ.
Phải nhắc lại, Thông tư 21/2017/TT-BTC đã gây sóng gió cho Bộ Công thương ngay từ những ngày đầu năm, khi ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bộ này đã thất hứa khi không bãi bỏ Thông tư 21/2017/TT-BCT như đã đề nghị với Ban Soạn thảo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP.
Trước đó, ông Jonhathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cũng đã phải lên tiếng về sự bất hợp lý trong quy định phải kiểm định chất formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm trong sản phẩm dệt may. Khi nhập hàng về, nếu nhà nhập khẩu không có mẫu vải để kiểm định, sẽ phải lấy mẫu từ chiếc áo trị giá cả ngàn USD mang đi kiểm nghiệm. “Chiếc áo cao cấp bị cắt miếng vải để kiểm tra rồi thì bán cho ai?”, ông Hạnh Nguyễn đã đặt câu hỏi như vậy.
Và đến giờ, các câu hỏi này và còn nhiều câu hỏi khác vẫn đang chờ được nghiên cứu, trả lời. Đương nhiên, doanh nghiệp đành phải chờ, cho dù tốn kém chi phí thế nào…
Tổng cục Thuế lại đi hỏi
Trong văn bản gửi ông Hà Văn Thắng trả lời về việc hướng dẫn thực hiện xét ưu đãi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP đối với Công ty cổ phần Chăn nuôi T&T 159 – Lạc Sơn theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Thuế cho biết, nội dung vướng mắc của Cục Thuế tỉnh Hòa Bình chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung vướng mắc này. Khi có văn bản trả lời, Tổng cục Thuế sẽ có văn bản hướng dẫn Cục Thuế Hòa Bình thực hiện giải quyết ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với trường hợp Công ty cổ phần Chăn nuôi T&T 159 – Lạc Sơn.
Theo baodautu.vn