Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan đề nghị bổ sung hành vi vi phạm các quy định về quy trình chế biến thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng vào Bộ Luật Hình sự.
Tại buổi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, nhiều đại biểu đã đề nghị bổ sung thêm các hành vi liên quan tới vấn đề
an toàn thực phẩm vào bộ luật này.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết tại Điều 317 của dự thảo Bộ luật hình sự đã quy định hành vi sử dụng hóa chất mà biết rõ là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lan, thực tế trong thời gian qua có những vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người vì sử dụng thực phẩm chất lượng không đảm bảo do lỗi của người sản xuất đã vi phạm quy trình sản xuất, chế biến không đúng quy định.
“Ví dụ như vụ dùng cồn công nghiệp thay cho cồn thực phẩm để pha chế rượu nhưng không biết dẫn đến chết người, có vụ chết nhiều người, nhưng cơ quan tư pháp rất khó xử vì Điều 244, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Hành vi phạm tội là người nào chế biến, cung cấp phải biết rõ thực phẩm không đảm bảo”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, tại dự thảo luật năm 2015 cũng quy định tương tự về hành vi phạm tội do ý thức chủ quan của người chế biến, cung cấp phải biết rõ thực phẩm không đảm bảo.
Như vậy hành vi của người chế biến, cung cấp thực phẩm do làm sai quy trình chế biến, thiếu trách nhiệm như trường hợp nêu trên mà gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ không bị xử lý hình sự.
“Do vậy, tôi đề nghị bổ sung hành vi vi phạm các quy định về quy trình chế biến thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng vào Khoản 1, Điều 317 để quy định xử lý hình sự đối với tội phạm này”, đại biểu Loan đề nghị.
Cũng theo đại biểu Loan, về một số tội liên quan đến an toàn thực phẩm như tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại các điều 192, 193, 194 và Điều 195. Nếu chỉ quy định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mà không quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển thì sẽ không đáp ứng được thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với tội phạm này.
“Ví dụ kiểm tra phát hiện cả kho hàng lương thực, thực phẩm giả và bắt được đối tượng vận chuyển thường xuyên hàng cấm, thực phẩm không đảm bảo an toàn mà không chứng minh được có buôn bán thì sẽ không xử lý hình sự được. Mặc dù hành vi đó là hành vi tiếp tay đồng phạm và gây hậu quả nghiêm trọng”, bà Lan nói.
Do vậy, bà Lan đề nghị bổ sung thêm hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng giả và các loại hàng tương ứng như quy định tại các điều 192, 193, 194 và 195 với số lượng giá trị lớn phải là tội bị xử lý hình sự.
Còn theo đại biểu Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa), dự thảo luật đã bổ sung một số loại thực phẩm vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy hoặc thực phẩm chế biến từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh. Tuy nhiên, theo đại biểu, như vậy vẫn chưa đầy đủ.
“Ví dụ như chế biến thực phẩm từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh thì bị xử lý hình sự nhưng chế biến thực phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh nguy hiểm, dịch bệnh nhưng chưa chết như gà, vịt nhiễm H5N1, lợn tai xanh… thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa đầy đủ”, ông Thức nói.
Vì vậy, ông Thức đề nghị thiết kế theo hướng không nên liệt kê cụ thể các trường hợp không bảo đảm an toàn thực phẩm. Vấn đề này được quy định trong Luật an toàn thực phẩm mà chỉ quy định về hậu quả phù hợp với từng công đoạn như sản xuất, chế biến, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tình trạng hình sự hóa
Trong khi đó, góp ý về dự thảo Bộ luật hình sự, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng để không quá hình sự hóa, rộng hóa và không thực thi khi thực hiện.
Còn theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hoà Bình), thời gian qua dư luận xã hội vô cùng bức xúc với thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo bà Thuỷ, để xảy ra thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân không nhỏ là từ công tác quản lý nhà nước và việc xử lý chưa nghiêm.
Do đó, theo bà Thuỷ, nếu chúng ta làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này.
“Từ thực tế cho thấy tội vi phạm về an toàn thực phẩm rất khó chứng minh hậu quả vì có những loại thức ăn khi ăn vào cơ thể từ 5 đến 10 năm hoặc có những trường hợp lâu hơn mới phát sinh bệnh. Do đó, không phải trường hợp nào cũng thấy ngay được hậu quả để xem xét và định tội”, bà Thuỷ nói.
Bà Thuỷ cũng đề nghị dự án luật cần xem xét cân nhắc hoàn thiện các quy định phù hợp để áp dụng trên thực tiễn được thuận lợi, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho cộng đồng.
Góp ý thêm về dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết thêm, một số nội dung được điều chỉnh dài nhưng lại không phù hợp.
Cụ thể, tại Khoản 1, Điểm a, b, c, d, e đều có quy định, gây ngộ độc từ 5 đến 20 người, điều này theo ông Phương là rất vô lý. Như vậy, nếu 21 người trở lên thì không có trong khung hình phạt?
“Hoặc Khoản 2 cũng vậy, gây ngộ độc từ 21 đến 100 người, từ 101 nguời trở lên là không có khung hình phạt. Như vậy, vừa dài mà lại không phù hợp. Từ 5 người trở lên là được rồi, cần gì phải là 5 đến 20 người. Tôi đề nghị chỗ này cần phải xem xét để điều chỉnh lại”, đại biểu Phương đề nghị.
Nguồn từ : bizlive.vn