Trước đó, Tổng cục Hải quan đã nhận được nhiều văn bản phản ánh những bất cập liên quan đến thủ tục đăng ký mã số mã vạch với hàng xuất khẩu, lại đúng vào dịp doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản số 2324/TCHQ-GDQL ký ngày 10/4 gửi tới Cục Hải quan các tỉnh/thành phố yêu cầu: Khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài in trên hàng hóa, bao bì sản phẩm xuất khẩu.
Sở dĩ có văn bản này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đã nhận được phản ánh của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp về những khó khăn trong việc kiểm tra chứng từ liên quan đến việc sử dụng mã số mã vạch trên bao bì, hàng hóa xuất khẩu trong thời gian gần đây.
Trước đó, ngày 13/3/2020, VASEP đã có công văn phản ánh về những bất cập liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất – xuất khẩu của các doanh nghiệp trong gần 1 tháng qua, lại đúng vào dịp cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có quy định đối với tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số mã vạch quốc tế GS1, phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được chủ sở hữu của mã nước ngoài ủy quyền sử dụng.
Trường hợp được chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tổ chức phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài.
Căn cứ quy định nói trên, cơ quan Hải quan các cửa khẩu yêu cầu các lô hàng xuất khẩu đều phải có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mã số mã vạch cho các trường hợp cụ thể khi đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Các trường hợp này được nhắc đến làm căn cứ để xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nếu vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản. Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp liên hệ với cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh để xin cấp giấy xác nhận thì được thông báo là doanh nghiệp phải liên hệ với Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia (GS1) tại Hà Nội do địa phương không có thẩm quyền.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài theo hướng dẫn của GS1, thủ tục xin cấp giấy xác nhận với GS1 còn đòi hỏi thư ủy quyền phải yêu cầu có thời hạn ủy quyền, hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận (phải kèm bảng dịch thuật tiếng Việt).
Các giấy tờ trên đều tương đối khó xin, tốn khá nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy chứ chưa có thủ tục đăng ký qua mạng, chưa kể thủ tục xử lý tại GS1 sau khi có đủ hồ sơ và nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả và giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị trong 6 tháng.
Việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ đang tạo ra khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp thường xuyên có thêm khách hàng mới nên mã số mã vạch của các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi rà soát và không thấy có cơ sở pháp lý đầy đủ, thuyết phục cho quy định liên quan đến mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu. Theo các Luật hiện hành của Việt Nam hiện nay, thì hàng hóa xuất khẩu của chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu quy định.
Theo chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đơn giản các thủ tục hành chính để khuyến khích sản xuất, xuất khẩu. Áp dụng điện tử hóa, phân cấp và không là rào cản cho người dân và doanh nghiệp. Các quy định đối với hàng xuất khẩu sẽ thực hiện theo yêu cầu nhà nhập khẩu miễn là không vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước nhập khẩu”, ông Hòe nói.
Hiện nay, các quy định nói trên đang làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang phải trả phí 500.000 đồng/lần đăng ký (đối với hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm) hoặc 10.000 đồng/sản phẩm (đối với hồ sơ trên 50 mã sản phẩm).
Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các doanh nghiệp phải trả cho việc ghi mã số mã vạch trên nhãn cho các lô hàng xuất khẩu là một con số không hề nhỏ.
Theo bizlive.vn