Thứ Bảy, Tháng Ba 9, 2024
HomeTin tứcLập lại trật tự thị trường phân bón: Cần sự vào cuộc...

Lập lại trật tự thị trường phân bón: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương về việc chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, trên tinh thần giao Bộ NN&PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón

Tuy nhiên, trong khi chờ Nghị định mới được ban hành, muốn lập lại thị trường phân bón vốn đang “bát nháo” như hiện nay, cần một giải pháp tổng thể và sự quyết liệt của cơ quan chức năng. Từ ngày 15-3, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ

kiem tra chat luong phan bon
Cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng phân bón.

“Hoa mắt” với thị trường phân bón

Tại hội thảo quốc gia lập lại thị trường phân bón Việt Nam mới đây do Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân (HND) Việt Nam, Bộ NN&PTNT… tổ chức, ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch HND Việt Nam cho biết: Qua nắm bắt tình hình sản xuất ở nông thôn và báo cáo của các cơ quan chuyên môn tại nhiều địa phương cho thấy, có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Các cơ sở sản xuất thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ham rẻ của bà con nông dân; thậm chí, còn dùng các chiêu trò lừa đảo người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chiết khấu tỷ lệ cao cho đại lý bán vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, áp dụng “chiêu” bán thiếu, bán trả chậm… để kiếm lợi.

Thực tế, hiện trên địa bàn nước ta có hàng trăm loại phân bón khác nhau, trong khi đó các nước khác trong khu vực chỉ có từ 30 đến 40 loại. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi huyện Mê Linh cho biết: Khi tìm phân bón cho hơn 100ha cây ăn quả, rau màu của HTX, bản thân ông rất khó lựa chọn bởi quá nhiều đơn vị cung cấp đến mời chào, giới thiệu với đủ loại nhãn mác, bao bì… Chỉ tính riêng một doanh nghiệp đến chào hàng đã có tới 20-30 loại phân bón khác nhau, loại nào cũng “siêu tốt”, “cực tốt”.

Đó là chưa kể còn có quá nhiều loại phân bón trôi nổi trên thị trường, tình trạng buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm các đối tượng vi phạm cũng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Điều này khiến không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp sản xuất chân chính lao đao.

Tăng cường kiểm tra, xử lý phân bón

Trước sự bát nháo của thị trường phân bón hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần quản chặt cả trong sản xuất và lưu thông. Tuy nhiên, trong khâu lưu thông, vai trò của người đứng đầu chính quyền, hội, đoàn thể… ở địa phương còn mờ nhạt mà chủ yếu dựa vào lực lượng quản lý thị trường nên dễ dẫn tới tiêu cực. Thời gian qua, hoạt động của HND một số nơi còn èo uột, chưa làm tốt vai trò nên người dân vẫn mua phải phân bón trôi nổi.

Theo ông Lưu Công Đoàn, Phó Chủ tịch HND Việt Nam thì: Nhà nước cần tạo điều kiện về kinh phí để các cấp HND thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý phân bón; vận động, hướng dẫn nông dân tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các đối tượng vi phạm; cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, bảo vệ quyền lợi cho chính nông dân. Bản thân các doanh nghiệp phân bón làm ăn uy tín cũng cần đồng hành với các cấp hội để bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng…

Ở khâu sản xuất, để dẹp “loạn” thị trường phân bón, theo đại diện của Công ty CP Phân bón Hà Lan thì các bộ, ngành cần sớm xây dựng bộ tiêu chí đủ điều kiện sản xuất phân bón, đặc biệt phải kiên quyết thu hồi giấy phép những cơ sở không đủ năng lực sản xuất. Đối với mô hình hoạt động theo hình thức công ty mẹ và công ty con chỉ nên áp dụng một giấy chứng nhận hợp quy của công ty mẹ dù các công ty con ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, đặc biệt các điểm sản xuất, kinh doanh nhỏ ở vùng sâu, vùng xa,..

Trong bối cảnh đó, ngày 1-3, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào doanh nghiệp sản xuất trái phép, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ; tư cách pháp nhân; nguyên liệu đầu vào, chủng loại, bao bì, nhãn mác;… Các doanh nghiệp được thuê gia công phân bón vô cơ cũng nằm trong diện kiểm tra. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành bằng việc lấy mẫu giám định.

Việc kiểm tra sẽ được chia thành 3 đợt: Đợt 1 từ 15-3 đến tháng 5-2017, các Chi cục Quản lý thị trường sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, gia công. Đợt 2 từ 1-5 đến 5-7-2017, các Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục tiến hành kiểm tra, nhưng Đoàn kiểm tra của Bộ sẽ trực tiếp kiểm tra tại một số địa bàn trọng điểm. Đợt ba kéo dài từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-2017, bên cạnh công tác kiểm tra của các Chi cục Quản lý thị trường, Đoàn kiểm tra của Bộ sẽ kiểm tra chéo công tác kiểm tra của một số Chi cục tại những địa bàn trọng điểm. Qua kiểm tra, các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị nêu tên, mức độ và mức xử phạt cụ thể. Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ thực sự vào cuộc quyết liệt vì quyền lợi của nông dân.

Theo Báo Hà Nội Mới –  hanoimoi.com.vn

Tư Vấn Chứng Chỉ ISO