Chủ Nhật, Tháng Ba 10, 2024
HomeTin tứcQuản lý phân bón - một năm nhìn lại

Quản lý phân bón – một năm nhìn lại

Tháng 9/2018, Nghị định 108 về quản lý phân bón tròn một năm hiệu lực. Đây là Nghị định quan trọng mang tính bước ngoặt có tốc độ xây dựng nhanh nhất trong các Nghị định về lĩnh vực này trước đó, đồng thời có hiệu lực ngay khi ban hành mà không cần thông tư hướng dẫn

bon phan cho cay trong

Ra đời trong đỉnh điểm bức xúc

Quay lại thời gian cách đây gần hai năm, bối cảnh chờ chuyển tiếp từ Nghị định 202 sang 108 chính là giai đoạn đỉnh điểm dồn nén bức xúc của ngành phân bón. Cơ quan quản lí, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia và nông dân đều trong tình trạng bức xúc bởi sự lùng nhùng, rắc rối trong quản lí khiến phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác tràn lan trên thị trường, đỉnh điểm là vụ việc Cty Thuận Phong đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Dư luận, xã hội bức xúc với ngành phân bón cũng phải bởi chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, do đòi hỏi từ thực tiễn Chính phủ phải liên tục thay đổi cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi nghị định về phân bón tới 3 – 4 lần từ 113 đến 191 rồi tới 202, song chưa Nghị định nào được ưng ý, doanh nghiệp, người dân vẫn phải mệt phờ chạy theo

Quả thực, cho đến tận bây giờ có lẽ bà con nông dân Tây Nguyên chưa hết điêu đứng bởi tình trạng tràn lan phân trung, vi lượng đội lốt phân lân, phân bón cao cấp, nhưng thực chất toàn vôi bột, vôi sống, đá nghiền những năm 2014 – 2016, thời của Nghị định 202. Rồi bà con nông dân miền Bắc có lúc hoa mắt với phân NPK tên sản phẩm ghi số rất to giống tên công thức phân bón, song hàm lượng là thứ quan trọng nhất lại chỉ có vài %, giá bán trên trời trong thời kỳ Nghị định 113 và 191. Chưa hết, sự việc lên tới đỉnh điểm khi hệ thống các phòng phân tích phân bón bị thanh kiểm tra sai phạm hàng loạt khiến chút lòng tin còn lại của nông dân cũng tan biến.

Ngày 17/2/2017 là bước ngoặt lớn với ngành phân bón, ngay sau khi Chính phủ có Nghị định số 15 giao Bộ NN-PTNT làm đầu mối quản lý nhà nước về phân bón, đồng thời chịu trách niệm soạn thảo nghị định bổ sung, thay thế Nghị định 202, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Ban cán sự Đảng bộ NN-PTNT sau khi bàn bạc, nghiên cứu kỹ lưỡng đã ban hành Nghị quyết thay đổi cơ quan tham mưu giúp Bộ trong công tác quản lý phân bón và xây dựng Nghị định thay thế 202 từ Cục Trồng trọt sang Cục Bảo vệ thực vật.

Đúng là ban đầu bản thân ngay các đơn vị trong Bộ NN-PTNT cũng như bên ngoài ít nhiều đều có những băn khoăn, lo lắng trước sự xáo trộn chưa có tiền lệ này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, Cục BVTV đang quản lí vận hành tốt như mong đợi của Bộ NN-PTNT và ngành phân bón.

Ông Nguyễn Hạc Thúy khẳng định, với hệ thống chân rết quản lý ngành dọc đến tận các tỉnh, huyện cộng những việc Cục BVTV đã làm được, đã chứng minh bằng những con số cụ thể biết nói trong một năm qua, chắc chắn thời gian tới Cục BVTV sẽ còn hoàn thiện hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón của mình.

Còn Phó Tổng Giám đốc TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Dương Trí Hội cho rằng, nhìn tổng thể sau một năm Nghị định 108 về quản lý phân bón có hiệu lực, cá nhân ông và phía ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ đánh giá vai trò quản lý phân bón của Cục BVTV là rất tích cực.

“Tất nhiên bất cứ văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước nào khi ban hành cũng sẽ có những ý kiến trái chiều và đó là điều hết sức bình thường, quan trọng là quá trình áp dụng vào thực tế kết quả mang lại như thế nào. Bản thân các doanh nghiệp như chúng tôi chỉ mong sự ổn định để yên tâm sản xuất và cho đến thời điểm này, chúng tôi rất yên tâm với những chủ trương mà Cục BVTV đã và đang thực hiện”, ông Dương Trí Hội chia sẻ.

Hình thành dữ liệu quốc gia về phân bón

Theo tìm hiểu của NNVN, Cục BVTV đang gấp rút hoàn thành việc cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành đối với những trường hợp thuộc diện chuyển tiếp, việc này sẽ xong trước ngày 20/9/2018. Có thể nói, khi công đoạn cuối cùng trong những thủ tục một sản phẩm phân bón cần phải có này hoàn thành, đây sẽ trở thành “cẩm nang”, “kim bài” vô cùng quan trọng của Nghị định 108 để quản lý nhất quán thông suốt lĩnh vực phân bón thời gian tới.

Theo Cục BVTV, công nhận phân bón lưu hành là khâu kỹ thuật quan trọng đảm bảo mỗi sản phẩm phân bón phải đáp ứng chất lượng theo quy định mới được lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, đây sẽ căn cứ để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về phân bón bao gồm toàn bộ thông tin về chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất, nhãn mác… đảm bảo mọi người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều có thể truy xuất, công khai, minh bạch trong giám sát, thanh tra, kiểm tra quá trình sản xuất, lưu thông và sử dụng phân bón chỉ bằng một cú click chuột.

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lưu trữ dữ liệu quốc gia về công nhận phân bón lưu hành được một số cơ quan quản lý đánh giá góp phần ngăn chặn rất hiệu quả việc doanh nghiệp cố tình in nhãn mác, bao bì kiểu nhập nhèm đánh lừa nông dân, tức công thức phân bón một đằng, nhưng tên sản phẩm lại một nẻo. Rất nhiều doanh nghiệp cố tình đặt tên sản phẩm phân bón bằng con số giống tên công thức NPK đã bị Cục BVTV “tuýt còi” yêu cầu chỉnh sửa lại nhãn mác, bao bì theo đúng bản chất của sản phẩm phân bón đã đăng ký.

Số liệu Phòng Quản lý phân bón (Cục BVTV) cung cấp, tính đến ngày 18/8/2018, Cục BVTV đã tiếp nhận gần 1.500 hồ sơ của hơn 1.200 doanh nghiệp với hơn 20.000 sản phẩm thuộc diện chuyển tiếp theo quy định tại Nghị định 108.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục BVTV đã cấp quyết định công nhận lưu hành cho gần 13.000 sản phẩm, đồng thời đã loại bỏ gần 2.600 sản phẩm không đáp ứng quy định, số còn lại đang xem xét tiếp tục cấp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng tiến hành rà soát và thay đổi lại phương thức quản lý hệ thống các phòng phân tích thử nghiệm, hiện mới chỉ có 15 đơn vị là đáp ứng được yêu cầu, quy định mới.

Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ về thống nhất quản lý phân bón và nhận thấy sự bất cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ, Cục BVTV đã tham mưu Bộ NN-PTNT tổ chức chuyên đề hội thảo tại các vùng miền phát động phong trào tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ nhằm tận dụng lợi thế của đất nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản chất lượng cao trong xu thế của tương lai, qua đó nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất lớn từ phía các doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Cũng theo Cục BVTV, thời gian tới Bộ NN-PTNT lên kế hoạch đặt hàng các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện môi trường.

Song song đó, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu để ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nhập khẩu các công nghệ sản xuất phân hữu cơ tiên tiến, chất lượng cao trên thế giới về ứng dụng tại Việt Nam, mục tiêu là phấn đấu nâng thị phần sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2020 lên trên 20% thay bằng chỉ khoảng 10% như hiện nay.

Ngày 17/2/2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 quy định chức năng nhiệm vụ Bộ NN-PTNT trong đó có nội dung giao đầu mối quản lý nhà nước về phân bón; Ngày 28/2/2017 Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT ban hành Nghị quyết số 242-NQ/BCS thực hiện Nghị định 15 thống nhất giao Cục BVTV nhiệm vụ tham mưu cho Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phân bón thay Cục Trồng trọt.

Sau khi được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, 7 tháng sau Cục BVTV đã hoàn thành Nghị định 108 để Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành có hiệu lực ngay và cũng 7 tháng sau, Cục BVTV tiếp tục hoàn thiện Nghị định 55 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón để Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành tháng 4/2018.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung nhấn mạnh, Nghị định 108 đã được đưa vào Luật Trồng trọt, được các đại biểu quốc hội xem xét đồng tình, nhất trí cao, do đó doanh nghiệp và người dân có thể yên tâm bởi tương lai nối tiếp Nghị định 108 khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, ngành phân bón sẽ càng đi vào quy củ, ổn định hơn nữa, lợi ích của doanh nghiệp chân chính và khoảng 60 triệu nông dân sẽ được đảm bảo.

Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, công nghệ cuốc xẻng, cơ sở sản xuất ma, nhảy dù, chộp giật, lừa dối nông dân sẽ dần bị loại bỏ tận gốc, từ đó đóng góp tích cực vào nền nông nghiệp bền vững mà Chính phủ đang hướng tới.

Theo nongnghiep.vn

Tư Vấn Chứng Chỉ ISO