Trả lời Công văn số 5715/BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 34/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu, VCCI cho rằng, một số điều khoản quy định hướng dẫn áp dụng của dự thảo chưa rõ ràng và khắt khe với doanh nghiệp.
Theo đó, VCCI nhận định, so với Thông tư 34, dự thảo đã có những sửa đổi đáng kể về phương thức kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu. Cụ thể, thay vì kiểm chặt toàn bộ các lô hàng thì dự thảo đã sửa đổi, bổ sung thêm các phương thức kiểm tra thông thường và giảm. VCCI đánh giá, đây là sự thay đổi theo hướng tích cực, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan cho DN từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập đang là vấn đề nổi cộm, gây khó khăn cho DN.
Quy định về phương thức áp dụng chưa rõ ràng
Tuy nhiên, theo VCCI, dự thảo quy định nguyên tắc áp dụng các phương thức kiểm tra như hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Cụ thể, theo quy định tại dự thảo, có 3 phương thức kiểm tra sẽ được áp dụng đó là chặt, thông thường và giảm. Phương thức kiểm tra chặt chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể được liệt kê, phương thức kiểm tra giảm chỉ áp dụng cho các trường hợp đáp ứng điều kiện. Theo VCCI, như vậy, suy đoán phương thức kiểm tra thông thường sẽ được áp dụng cho tất cả trường hợp còn lại?
Vì vậy, để đảm bảo tính rõ ràng và cụ thể, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc áp dụng phương thức kiểm tra chặt và kiểm tra giảm được áp dụng trong các trường hợp quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 6, đồng thời phương thức kiểm tra thông thường sẽ được áp dụng cho các trường hợp còn lại.
Yêu cầu quá khắt khe
Dự thảo hiện nay đang quy định điều kiện áp dụng các phương thức kiểm tra giảm, doanh nghiệp phải đảm bảo hai yêu cầu. Một là, đạt yêu cầu chất lượng muốii nhập khẩu sau 03 lần kiểm tra liên tiếp tại các ngày khác nhau trong vòng 12 tháng đối với lô hàng muối nhập khẩu cùng loại, cùng xuất xứ theo phương thức kiểm tra thông thường. Hai là, đạt yêu cầu trong các lần thanh tra và kiểm tra (nếu có). Theo đó, khi đạt được đồng thời cả hai điều kiện này thì lô hàng muối nhập khẩu tiếp theo cùng loại, cùng xuất xứ của doanh nghiệp mới được áp dụng phương thức kiểm tra giảm.
Theo VCCI, yêu cầu doanh nghiệp đồng thời đáp ứng hai cầu trên là quá khắt khe. Việc doanh nghiệp đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu sau 03 lần kiểm tra liên tiếp có thể chứng minh được ý thức chấp hành pháp luật tốt của doanh nghiệp và thuộc đối tượng ít rủi ro.
Cũng theo VCCI, việc kèm theo điều kiện đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra khiến cho việc xác định doanh nghiệp thuộc phương thức kiểm tra giảm trở nên phức tạp, vì nguồn thông tin này phải lấy từ các cơ quan quản lý chuyên ngành. VCCI băn khoăn rằng, liệu doanh nghiệp có phải chứng minh hoặc xuất trình giấy tờ gì thêm để cơ quan hải quan nhận biết đáp ứng điều kiện này không?
Ngoài ra, VCCI góp ý tương tự như trên về việc xác định điều kiện dựa vào lịch sử chấp hành tốt về chủng loại, xuất xứ của lô hàng nhập khẩu mà không phải là chủ thể nhập khẩu.
Nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm theo hướng loại bỏ giới hạn về lô hàng cùng xuất xứ, chủng loại đối với lô hàng nhập khẩu tiếp theo. Đồng thời, bỏ điều kiện về thanh tra, kiểm tra nghĩa là giữ yêu cầu ở mức “được cơ quan kiểm tra đánh giá đạt yêu cầu chất lượng muối nhập khẩu sau 03 lần kiểm tra liên tiếp tại các ngày khác nhau trong vòng 12 tháng”.
Theo Ngọc Hà – enternews.vn