Với xu thế hội nhập như hiện nay trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải đảm bảo thời vụ gieo sạ, giống, sạ hàng; đồng thời thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Không chỉ giảm lượng lúa giống, chi phí phân bón mà thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm, nên mô hình này cho lợi nhuận cao hơn”.
Quy trình áp dụng phương pháp “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy, sử dụng giống xác nhận. Điều kiện phơi sấy, tạm trữ, bảo quản lúa sau thu hoạch tốt. Ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP. Mật độ sạ 80 – 100 kg/ha. Cơ giới hóa khâu làm đất, 100% diện tích được cày ải, vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch vụ trước.
Gieo sạ theo phương pháp sạ hàng, áp dụng biện pháp gieo sạ đồng loạt theo dự báo né rầy của cơ quan chuyên môn, trên cơ sở theo dõi bẫy đèn kết hợp với sự chủ động về nguồn nước phục vụ sản xuất. Không phun thuốc hóa học định kỳ. Dùng thuốc hóa học khi cần thiết, có sự khuyến cáo của cán bộ chuyên ngành. Khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại.
Cơ giới hóa thu hoạch đạt 100% diện tích. 100% sản lượng lúa được phơi, sấy đạt yêu cầu. Bón phân cân đối, sử dụng phân đạm hợp lý, hiệu quả, bón phân đạm theo bảng so màu. Có thể sử dụng các loại phân bón chuyên dùng, sử dụng phân bón trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh.
Từ triển khai đồng bộ các biện pháp trên, vụ HT 2013 nhiều hộ đã sản xuất hiệu quả.
SX theo mô hình này giảm chi phí hơn ngoài mô hình gần 1,9 triệu đ/ha. Do áp dụng quy trình sạ hàng, nên giảm được 40% lượng giống, với mật độ sạ thưa, nhu cầu dinh dưỡng về phân bón của lúa cũng giảm, dịch bệnh ít xuất hiện, chi phí sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật giảm theo. Giá lúa bán cao hơn thị trường từ 200 – 500 đ/kg.
Lợi ích có thể nhìn thấy như giảm chi phí; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, mô hình còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do hạn chế được việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan.
Những năm qua, nhờ sản xuất lúa theo mô hình VietGAP giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ kết quả mô hình này, ngành Nông nghiệp sẽ mở rộng diện tích sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.