Thứ Sáu, Tháng Chín 22, 2023
Home Tin tức Xử lý triệt để nạn phân bón giả

Xử lý triệt để nạn phân bón giả

Hiện nay, do lợi nhuận trước mắt, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã sản xuất phân bón giả, kém chất lượng sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp uy tín tung ra thị trường. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng chất lượng cây trồng, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính bị ảnh hưởng, do cạnh tranh không lành mạnh.

qc-phan-bon

Nông dân chịu thiệt

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 12 đơn vị sản xuất phân bón, cùng hơn 430 đơn vị kinh doanh phân bón. Mặc dù đông về số lượng, nhưng các cơ sở này phần lớn có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ trộn bán tự động theo kiểu vừa máy, vừa cuốc xẻng, công suất từ 5 đến 10.000 tấn/năm, chỉ một số ít doanh nghiệp có năng lực sản xuất hơn 50.000 tấn/năm. Do đầu tư quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên chất lượng phân bón chưa bảo đảm so với chất lượng quy định. Trong khi đó, có không ít loại phân bón kém chất lượng, trôi nổi, không rõ nguồn gốc được chào bán giá rẻ, khiến người nông dân nhận “trái đắng”. Ðiển hình như gia đình ông Nguyễn Tấn Nam (xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu), vụ mía năm 2016 trồng 4 ha, ông mua hơn hai tấn phân bón, do mua phải phân bón giả, nên cây mía phát triển chậm, năng suất thấp so với các năm trước. Ông Nam chia sẻ: “Do ham rẻ, mua phải phân bón giả cho nên mía của gia đình chỉ đạt năng suất chưa đầy 50 tấn/ha, chưa năm nào thấp như vậy. Rút kinh nghiệm, năm nay chúng tôi chọn sản phẩm phân bón của các doanh nghiệp sản xuất có uy tín trong tỉnh. Tuy đắt hơn chút ít, nhưng bảo đảm chất lượng”. Hiện nay, người nông dân ở các huyện miền núi Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn phân bón. Bởi mặt hàng này được làm giả, làm nhái hết sức tinh vi, bán trôi nổi trên thị trường. Chị Nguyễn Thị Mai Thủy (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) lo lắng: “Năm nay gia đình tôi trồng ba sào lúa, mua phân bón theo những người chung quanh, nên cũng không phân biệt được thật, giả. Nếu đợi đến lúc thu hoạch mới đánh giá được chất lượng phân bón thì sự việc đã rồi”.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông sản Nguyễn Tiến Dũng, từ đầu năm đến nay, công ty đã cung ứng gần 300.000 tấn phân bón các loại, phục vụ sản xuất cho bà con nông dân ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất là ở các tỉnh phía nam và miền trung. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cơ sở đã sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, sau đó nhái nhãn mác, bao bì của công ty, ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp. Ðiển hình, có loại phân bón, công ty sản xuất bán ra thị trường với giá bảy triệu đồng/tấn, nhưng cơ sở sản xuất phân bón giả bán cho bà con nông dân với giá hơn sáu triệu đồng/tấn, trong khi chi phí “sản xuất” với giá chỉ từ một đến hai triệu đồng/tấn, như vậy, mỗi tấn đã “móc túi” của bà con nông dân vài triệu đồng. Khi sử dụng phân bón giả, cây trồng sẽ sinh trưởng, phát triển chậm, ảnh hưởng năng suất hoặc bị chết khô.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An Trần Ðăng Ninh, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất và định kỳ các cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón trên địa bàn, qua đó, kịp thời xử lý nhiều vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Trong năm 2016, đã phát hiện năm vụ tiêu thụ 114,5 tấn phân bón giả và 8,5 tấn phân bón kém chất lượng; xử phạt hành chính 187 triệu đồng; buộc phải xóa nợ và bồi thường cho nông dân với số tiền gần 600 triệu đồng. Ðiều đáng nói, toàn bộ số phân bón giả, kém chất lượng trên đều do những công ty sản xuất phân bón ở tỉnh khác như: Hải Dương, Thanh Hóa… đem vào địa bàn Nghệ An tiêu thụ.

Thực hiện kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017 của Bộ Công thương, từ ngày 15-3 đến 15-4 vừa qua, chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kiểm tra 255 doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón, kinh doanh phân bón, phát hiện có 117 vụ vi phạm. Trong đó, chủ yếu là kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; không có giấy phép đăng ký và không công bố hợp quy phân bón trong kinh doanh, sản xuất phân bón… Lực lượng chức năng xử phạt hành chính gần 850 triệu đồng, tịch thu 7,2 tấn, 920 bao, 720 chai, 153 gói phân bón các loại.

Hiện, trên thị trường có hàng nghìn sản phẩm phân bón các loại, trong khi việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón vẫn chỉ là bề nổi. Vì vậy, ngày 12-4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng đã giao các bộ liên quan chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, nhất là đối với phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, nhằm lừa dối, gây hiểu nhầm cho người sử dụng.

Về lâu dài, các cấp, ngành, địa phương cần có những quy định rõ ràng về điều kiện sản xuất phân bón: các cơ sở sản xuất phải bảo đảm công nghệ, thiết bị và phòng thử nghiệm; vỏ bao bì phân bón phải ghi rõ công thức và có quy định chặt chẽ về nhãn mác. Bên cạnh việc chú trọng phổ biến tuyên truyền pháp luật cho các đại lý, người dân hiểu được những thủ đoạn, dấu hiệu phân bón giả, kém chất lượng, cần tập trung kiểm soát, có các chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo  HOÀNG TÙNG, THÀNH CHÂU báo Nhân dân –  nhandan.com.vn

Tư Vấn Chứng Chỉ ISO

Tư Vấn Hợp Chuẩn Hợp Quy

 Dịch vụ khác

Xin Giấp phép

Tư vấn VIETGAP